Ý nghĩa Khởi_nghĩa_Giàng_Pả_Chay

Thơ ca của người Thái Mường Thanh còn kể lại:

"Tất cả trai Mèo đều vui mừng làm thuốc súng;

Tiếng rèn sắt, tiếng đập đe khiến đất chuyển rung"

Cuộc nổi dậy là một phong trào tự khởi xướng và tự duy trì theo chiến thuật du kích, vũ khí chủ yếu là thô sơ, gồm súng kíp của người Mông. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, quân tiếp viện của Pháp bắt đầu đông hơn phiến quân, bắt đầu dùng hỏa lực áp đảo người Mông. Thuốc súng của người Mông không hoạt động tốt khi bị ướt, vì vậy quân Pháp cũng tập trung tấn công trong mùa mưa.

Một vũ khí đặc biệt của cuộc nổi dậy là khẩu súng thần H'Mông, được làm bằng thân cây gỗ, dùng thuốc súng của người Mông bắn ra các mảnh sành và kim loại. Khẩu pháo này được thiết kế bởi người Mông tên Kuab Chav, nặng hơn 100 ký, do đó chỉ có một võ sĩ mới có thể vác nó. Khẩu pháo làm người Pháp hoảng sợ vì họ cho rằng người Mông không có công nghệ chế tạo vũ khí như vậy.

Cuộc khởi nghĩa cũng mang màu sắc mê tín: quân của Pả Chay được truyền rằng có ma thuật bảo vệ. Pả Chay ra lệnh cho quân lính không được bỏ lại người chết hoặc bị thương sau mỗi trận đánh, và dọn vết máu càng nhanh càng tốt, nên khi quân Pháp truy đuổi nghĩa quân, họ không bao giờ thấy bất kỳ xác chết nào, tạo tâm lý cho người Pháp rằng nghĩa quân của Pa Chay thực sự là bất khả chiến bại. Kao My, em gái của Pả Chay, luôn đeo một lá cờ trắng dệt bằng cây gai dầu để làm chệch hướng đạn.

Người H'Mông theo Vừ Pả Chay tôn kính gọi ông là Chậu Pha Pát Chay và tôn ông như một Vua Mèo của dân tộc, tuy người Mông cũng chia thành các phe thân và chống Pháp. Những người theo chủ nghĩa dân tộc H'Mông gọi đây là Cuộc nổi dậy của Pả Chay ("Rog Paj Cai") trong khi người Mông đứng về phía Pháp gọi nó là "Rog Phim Npab" (tức nổi dậy của thằng điên). Các tư liệu Pháp thường gọi cuộc nổi dậy với tên chế giễu là Cuộc chiến của Tên điên (tiếng Pháp: Guerre du Fou) ám chỉ sự tương quan lực lượng không cân bằng giữa quân Pháp và quân khởi nghĩa, vừa miêu tả Vừ Pả Chay là một lãnh tụ mang hơi hướng cuồng tín, tương tự như nổi dậy của Ong Keo ở Lào hay là Phan Xích Long ở Nam Kỳ.

Cuộc nổi dậy cũng khiến cho chính quyền thuộc địa Pháp trao một số quyền tự quyết nhiều hơn cho người Mông, quyết định đặt ra các chức như Tojxeem, để đứng đầu một nhóm bản, và một số Kiabtoom (cai tổng), người đứng đầu gia tộc địa phương. Một trong các Tojxeem quan trọng là Lo Blia Yao, sau này là bố của Touby Ly Foung, một lãnh đạo quan trọng khác của người Mông.

Trong kháng chiến chống Pháp, Đội du kích Pa Chay gồm các chiến sĩ dân tộc H'Mông được thành lập lấy tên ông. Chi tiết có trong quyển "Truyện ký Thotu Yaxaychu" của nhà văn Nguyễn Quang Vinh.